Chỉ số này không đổi so với tháng trước đó. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Theo trang Bloomberg, hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp có nguy cơ đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay của Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất thỉnh thoảng là điểm sáng ở Trung Quốc. Trong lúc tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Nhà phân tích Zhao Qinghe của NBS thừa nhận nhu cầu thị trường vẫn không đủ, đồng thời nhấn mạnh nền tảng cho sự phục hồi bền vững vẫn cần được củng cố.
Theo Reuters, giới phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ chính sách trong ngắn hạn.
Ngoài ra, đã xuất hiện lời kêu gọi về biện pháp kích thích mạnh mẽ và táo bạo hơn nữa giữa lúc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt không ít thách thức - ngoài khủng hoảng bất động sản còn có nợ chính quyền địa phương cao, sức ép giảm phát, căng thẳng thương mại với phương Tây…
Một nhà máy phụ tùng ô tô ở TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Mỹ và EU - 2 trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc - cảnh báo về sự gia tăng các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp trong nước.
Phát biểu tại hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở TP Đại Liên mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bác bỏ cáo buộc các công ty nước này được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng.
Theo ông, sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới tại Trung Quốc bắt nguồn từ những "lợi thế so sánh độc đáo" như: thị trường hơn 1,4 tỉ dân, hệ thống hỗ trợ công nghiệp hoàn chỉnh, lực lượng lao động dồi dào…